Phân tích quy chế pháp luật hành chính của công dân

Phân tích quy chế pháp luật hành chính của công dân

Quy chế pháp luật hành chính của công dân
I.                   ĐẶT VẤN ĐỀ
Công dân và nhà nước có mối quan hệ chặt chẽ. Trong Hiến pháp của bất kì nhà nước dân chủ nào cũng đều có chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ở nước ta, hoạt động quản lí hành chính nhà nước là một trong những hoạt động quan trọng có đối tượng quản lí là công dân.Vậy quy chế pháp luật hành chính của công dân được hiểu như thế nào, đặc điểm ra sao?

II.               NỘI DUNG.
1.      Khái niệm quy chế pháp luật hành chính của công dân.
Theo Giáo trình Luật Hành Chính của trường Đại học Luật Hà Nội: “Quy chế pháp luật hành chính của công dân là tổng thế các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lí hành chính nhà nước”.

Trong khái niệm này có đề cập đến thuật ngữ “công dân”. Theo cách hiểu chung về khái niệm “công dân” thì đó là người mang quốc tịch của một Nhà Nước, như vậy đối tượng mà qui chế pháp luật hành chính điều chỉnh không bao gồm người mang quốc tịch nước ngoài đang làm ăn, sinh sống ở Việt Nam và người không quốc tịch. Theo khoản 1 Điều 17 Hiến pháp 2013: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Vì vậy, khái niệm về công dân Việt Nam nên được hiểu là bao gồm cả người Việt Nam định cư ở Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành – điều hành của Nhà Nước. Ở đây chúng ta nên phân biệt rõ để tránh cách hiểu sai, đó là quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc điều hành thực hiện hoạt động quản lí hành chính bởi các cơ quan hành chính nhà nước mới được Nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động ấy. Còn công dân là đối tượng chịu sự tác động của hoạt động quản lý, là người chấp hành những quyết định mà cơ quan nhà nước đưa ra, tuy nhiên họ cũng có quyền và nghĩa vụ nhất định. Hoạt động quản lý nhà nước diễn ra trên nhiều lĩnh vực: hành chính chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội, trong đó quan trọng nhất là lĩnh vực hành chính.
2.      Đặc điểm quy chế pháp luật hành chính của công dân.
Quy chế pháp luật hành chính của công dân không tách rời quyền và nghĩa vụ của họ, vì vậy nó có những đặc điểm cơ bản như sau:
- Mọi công dân Việt Nam đều được hưởng đầy đủ các quyền về tự do cá nhân trong các hoạt động quản lý nhà nước. Đây là môt quyền hiến định, là quyền quan trọng nhất. Đó là các quyền về tự do ngôn luận, lập hội biểu tình (Điều 25 Hiến pháp 2013); quyền bầu cử, ứng cử (Điều 27);… theo quy định của pháp luật. Đặc điểm này thể hiện Nhà Nước tạo mọi điều kiện cần thiết để thu hút nhân dân tham gia đông đảo vào quản lý nhà nước, giám sát hoạt động của các cơ quan để đảm bảo tính minh bạch, thông suốt trong bộ máy nhà nước, đồng thời bảo đảm các quyền của mình không bị cơ quan nhà nước xâm phạm.
- Quy chế pháp luật hành chính của công dân được xác lập trên cơ sở các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến Pháp quy định. Chỉ có những cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể hạn chế quyền và nghĩa vụ của công dân trong những trường hợp luật định. Hiến pháp có hẳn một chương quy định về “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà quản lý Nhà nước là một trong những số đó. Tuy nhiên không phải mọi quy định của Hiến Pháp, văn bản pháp luật của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ban hành đều là cơ sở quy chế pháp luật hành chính của công dân mà chỉ những quy định nào liên quan đến công dân đồng thời là nguồn của Luật Hành Chính, xác định nội dung quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực quản lý hành chính, những qui định là nguồn của Luật Hành Chính. Chính vì vậy, Hiến Pháp không phải là cơ sở duy nhất xác lập quy chế pháp luật hành chính của công dân. Để phù hợp với thực tế thì trong một số văn bản pháp luật còn quy định thêm một số quyền của công dân mà Hiến Pháp chưa nhắc tới. Ví dụ các quyền gắn liền với nhân thân như xác định lại giới tính, thay đổi họ tên, xác định dân tộc,....
- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp. Không chỉ trong hoạt động quản lý nhà nước, mà trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, dân tộc, tôn giáo… Những yếu tố trên không quyết định khả năng của công dân trong việc tham gia quản lý hành chính nhà nước. Điều này thể hiện rõ chính sách thống nhất, đoàn kết của Nhà nước.
- Quyền và nghĩa vụ là hai mặt không thể tách rời. Công dân được hưởng quyền đồng thời phải làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Điều đó thể hiện mối liên hệ về trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân. Nhà nước và công dân là mối quan hệ hai chiều. Công dân trước hết cũng là một con người trong xã hội, vì vậy họ phải được đảm bảo các quyền tự nhiên của mình; hơn nữa, công dân là những chủ thể đóng góp công sức hình thành và xây dựng nên Nhà nước do đó họ phải có được những quyền cơ bản. Tuy nhiên, Nhà nước điều hành, quản lý xã hội theo ý chí của giai cấp thống trị, do đó công dân phải thực hiện những trách nhiệm mà nhà nước đặt ra để đảm bảo trật tự xã hội, phát triển đất nước. Ví dụ: công dân có quyền khiếu nại, tố cáo đồng thời có nghĩa vụ trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin tài liệu cho người giải quyết khiếu nại, tố cáo...
- Nhà nước tạo điều kiện cho nhu cầu chính đáng của cá nhân được thỏa mãn làm cho khả năng của công dân về trí tuệ, vật chất, tinh thần được phát huy đến mức cao nhất. Bởi các cá nhân, công dân trong xã hội có phát triển toàn diện thì mới có thể tham gia đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển, tiến bộ của Nhà nước. Ví dụ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhà nước ta có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại tại Việt Nam…
- Nhà nước chỉ truy cứu trách nhiệm pháp lý hành chính đối với công dân khi có hành vi vi phạm do pháp luật qui định và chỉ trong giới hạn mà pháp luật cho phép. Trong các yếu tố cấu thành vi phạm hành chính thì hành vi thuộc mặt khách quan là yếu tố bắt buộc, có hành vi thì mới có vi phạm. Chúng ta không thể truy cứu bất kì ai về tư tưởng của họ, vì nó chưa có sự tác động đến thế giới khách quan. Tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”. Và tại điểm a khoản 1 Điều 15 luật này cũng qui định giới hạn về độ tuổi phải chịu trách nhiệm khi vi phạm hành chính: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.
- Nhà nước không ngừng hoàn thiện quy chế pháp luật hành chính của công dân, đảm bảo cho công dân tham gia tích cực vào quản lý nhà nước. Quy chế pháp luật hành chính của công dân sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để công dân tham gia quản lý nhà nước. Trên cơ sở tại khoản 2 Điều 28 Hiến Pháp hiện hành: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Khi mà nền hành chính quốc gia còn nhiều bất cập như hiện nay thì việc phát huy sự tham gia của công dân sẽ góp phần xây dựng, hoàn thiện hơn, hơn nữa còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền cơ bản của công dân.
III.            KẾT LUẬN.



0 comments :

 
Copyright © 2015. kho tài liệu ĐỒNG THANH